Lý do đề xuất tăng phí là chi phí đầu tư xây dựng nhà ga phục vụ hành khách nội địa và quốc tế không chênh lệch nhiều, trong khi mức giá bình quân dịch vụ nội địa chỉ bằng 20% quốc tế nên không bảo đảm bù đắp các chi phí đầu tư xây dựng nhà ga hành khách nội địa.
Sau khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trình đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải vào đầu tháng 8/2016 đề nghị được tăng phí dịch vụ hàng khách nội địa tại 7 sân bay bao gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Vinh và Phú Bài kể từ ngày 01/01/2017, đề xuất này vẫn chưa được Bộ GTVT chính thức chấp thuận thì mới đây, Cục Hàng không Việt Nam đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ GTVT tăng giá hàng loạt các dịch vụ mặt đất theo nguyện vọng của ACV.
Theo đó, phí dịch vụ hành khách nội địa, bao gồm giá vé máy bay, được đề xuất tăng 43% từ 70.000 đồng/khách lên 100.000đ/khách (bao gồm thuế) và tăng phí cất/hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa thêm 43% lên mức tương đương 50% phí cất/hạ cánh với các chuyến bay quốc tế.
Lý do đề xuất tăng phí là chi phí đầu tư xây dựng nhà ga phục vụ hành khách nội địa và quốc tế không chênh lệch nhiều, trong khi mức giá bình quân dịch vụ nội địa chỉ bằng 20% quốc tế nên không bảo đảm bù đắp các chi phí đầu tư xây dựng nhà ga hành khách quốc nội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ.
Ước tính 7 sân bay kể trên chiếm 90% tổng lượng hành khách trong năm 2015, doanh thu từ thu phí dịch vụ hành khách nội địa tại những sân bay này chiếm 21% tổng doanh thu phí dịch vụ hành khách năm 2015 của ACV.
ACV đang độc quyền khai thác 22 sân bay nội địa và quốc tế tại Việt Nam và nhà nước hiện nắm 95,4% cổ phần trong tổng số 2,177 triệu cổ phần. Công ty được IPO vào ngày 10/12/2015 với giá đấu thành công bình quân là 14.400 đồng/cp, giá giao dịch gần đây trên OTC là 23.000 đồng/cp. Công ty đã được Sở GDCK Hà Nội chấp thuận niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM nhưng thời điểm niêm yết cũng như mức giá chào sàn chưa được tiết lộ.
Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 22 sân bay do ACV độc quyền khai thác dịch vụ. Ảnh: ACV.
Mới đây, ACV đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất hợp nhất quý 3/2016 với doanh thu thuần đạt 4.060 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 804 tỷ đồng. Nếu gộp cả quý 2 và quý 3, doanh thu thuần đạt 7.918 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 787 tỷ đồng. Nếu so sánh với kết quả kinh doanh cả năm 2015, doanh thu quý 2 và quý 3/2016 của ACV đã bằng 60% doanh thu thuần cả năm 2015 và lợi nhuận trước thuế bằng 91% cả năm 2015.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, số lượt hành khách tăng 30% so với cùng kỳ lên 60,5 triêu lượt, gồm có 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với cùng kỳ) và 43 triệu lượt hành khách nội địa (tăng 32% so với cùng kỳ). Số lượt hạ/cất cánh là 417.800 (tăng 26% so với cùng kỳ) và số lượng hàng hóa thông qua cảng là 765.700 tấn (tăng 7% so với cùng kỳ). Theo đó công ty đã đạt 80% kế hoạch về số lượng hành khách, 79% kế hoạch số lượt hạ/cất cánh và 69% kế hoạch số lượng hàng hóa qua cảng cho cả năm 2016 sau 9 tháng.
Theo Trung tâm hàng không Thái Bình Dương (CAPA), Việt Nam là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và là một trong 10 thị trường hàng không nội địa phát triển nhanh nhất ở Châu Á trong năm 2015. Cục Hàng không Việt Nam dự báo số lượng hành khách hàng không tại Việt Nam sẽ tăng trưởng kép (CAGR) 13,9% trong giai đoạn từ năm 2015-2020, đạt 76,5 triệu khách trong năm 2020. Sau giai đoạn này, dự báo tăng trưởng sẽ là 13,5% từ năm 2020- 2030, đạt 204,3 triệu hành khách đến năm 2030.
ACV hiện đang rót vốn vào 14 công ty con, công ty liên kết, trong đó có 55,42% cổ phần tại CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN- Upcom). ACV thông báo bán 1.319.700 cổ phiếu SGN thông qua giao dịch thỏa thuận từ ngày 31/10 đến ngày 29/11/2016 để giảm sở hữu tại công ty này xuống 48%. Giá cổ phiếu SGN hiện tại là 110.700 đồng/cp.
Nguyễn Tuân