Cục Hàng không VN vừa trình Bộ GTVT nghiên cứu phương án xây dựng đường cất/hạ cánh thứ 2 tại CHK quốc tế Phú Bài.
CHK quốc tế Phú Bài
Năm 2018, sẽ phải sửa chữa đường băng hiện hữu
Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đỗ Quang Việt cho biết, đường cất/hạ cánh tại CHK quốc tế Phú Bài được cải tạo, sửa chữa và đưa vào khai thác năm 2013. Theo thiết kế, đường cất/hạ cánh này được tính toán để đảm bảo cho khai thác đến năm 2030. Tuy nhiên, các tính toán cũng cho thấy, khi khai thác được khoảng 37.600 lượt cất/hạ cánh sẽ phải sửa chữa để khôi phục lại sức chịu tải của đường băng.
“Tính từ năm 2013 đến nay, số lượt cất/hạ cánh tại CHK quốc tế Phú Bài đã đạt khoảng 20 nghìn lượt. Như vậy, theo tính toán sẽ còn khoảng 17.600 lượt nữa sẽ đến kỳ phải sửa chữa đường băng”, ông Việt nói và cho biết thêm: Trường hợp CHK quốc tế Phú Bài tăng trưởng theo đúng kịch bản trong quy hoạch và dự báo khi thiết kế đường cất/hạ cánh, đến đầu năm 2018 sẽ phải nghiên cứu và tiến hành sửa chữa đường băng tại đây.
Trên cơ sở cân nhắc các phương án, Cục Hàng không VN đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận phương án nghiên cứu xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối đồng bộ theo quy hoạch được duyệt tại CHK quốc tế Phú Bài trong giai đoạn 2017 - 2018. Việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường cất/hạ cánh số 2 sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2030.
“Thực tế hiện nay, mặt đường băng vẫn đang hoạt động tốt song đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, xuất hiện vết nứt nhỏ dọc hai bên”, ông Việt cho biết thêm.
Tại cuộc họp với Bộ GTVT gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư mở rộng nhà ga hành khách CHK quốc tế Phú Bài theo hình thức BOT; Đầu tư xây dựng đường cất/hạ cánh thứ hai; Tăng chuyến bay nội địa và quốc tế đến Huế.
“Sản lượng khai thác tại CHK quốc tế Phú Bài tăng trưởng nhanh, dự kiến năm 2016 sẽ đạt được công suất thiết kế 1,5 triệu khách/năm và đến năm 2020 sẽ đạt 2,5-3 triệu khách/năm”, ông Cao nói.
Kết luận về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, đường băng thứ 2 đã được quy hoạch xây dựng sau năm 2030. Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đồng ý về mặt chủ trương điều chỉnh quy hoạch để đẩy nhanh thời điểm thực hiện quy hoạch. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực khai thác của đường băng số 1, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao Cục Hàng không VN chủ trì, phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông lập đề xuất đầu tư đường lăn song song trên cơ sở đánh giá lưu lượng bay hiện nay và trong vài năm tới, so sánh phương án đẩy nhanh thời điểm xây dựng đường băng.
Ngân sách khó đáp ứng
Thực tế, theo tính toán của Cục Hàng không VN, trong trường hợp xây dựng đường cất/hạ cánh số 2 ngay trong giai đoạn đến năm 2020 với quy mô 3.800x45m, cách đường cất/hạ cánh hiện hữu khoảng 230m, sẽ cần khoảng 3.300 tỷ đồng, trong đó 300 tỷ đồng cho công tác GPMB.
“Số tiền đầu tư khá lớn này chính là nhược điểm lớn nhất của phương án, trong bối cảnh NSNN của Bộ GTVT được cấp hàng năm cho lĩnh vực hàng không rất hạn hẹp. Trong trường hợp vẫn triển khai, Cục Hàng không VN đề xuất phương án UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ theo hình thức BT”, ông Việt phân tích.
Mặc dù vậy, ông Việt cũng cho biết, ưu điểm của việc xây dựng đường cất/hạ cánh thứ 2 là không phải đóng cửa CHK quốc tế Phú Bài khi xây dựng cũng như khi nâng cấp đường cất/hạ cánh hiện hữu trong dài hạn khi có nhu cầu, đồng thời có thể khai thác các loại tàu bay lớn như B787, A350, nâng cao năng lực khai thác và thu hút các hãng hàng không trong và ngoài nước đi, đến cảng.
Đối với phương án xây dựng đường lăn song song, theo tính toán của Cục Hàng không VN sẽ cần khoảng 950 tỷ đồng để xây dựng một đường lăn dài 2.700m cách đường cất/hạ cánh hiện hữu khoảng 180m cùng 5 đường lăn nối.
“Ưu điểm của phương án này là vốn đầu tư ít, đảm bảo hiệu quả trong giai doạn hiện nay, có thể cân đối nguồn vốn để đầu tư sớm”, ông Việt nói và nhấn mạnh thêm, trường hợp chỉ có một đường cất/hạ cánh và một đường lăn song song, theo tính toán, khả năng khai thác của CHK quốc tế Phú Bài có thể đạt 20 – 22 lượt/giờ cao điểm. Điều này có nghĩa, năng lực của cảng sẽ cao tương đương với trường hợp xây mới một đường cất/hạ cánh và không có đường lăn song song. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là vẫn chỉ khai thác được loại tàu bay A321 và tương đương. Đồng thời, khi đường cất/hạ cánh hiện hữu đến chu kỳ phải cải tạo, sửa chữa thì sẽ phải đóng cửa CHK Phú Bài từ 3-6 tháng.
Thanh Bình