Trước tình trạng cứ mưa là ngập tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, được sự chấp thuận của bộ, ngành liên quan, UBND TP Hồ Chí Minh đang triển khai đề án xây hồ điều tiết chống ngập (HĐTCN). Dự kiến, dự án xây hồ chống ngập hoàn thành trong năm 2018.
An toàn bay được đặt lên hàng đầu
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản giao Sở GT-VT thành phố phối hợp với Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương thực hiện dự án xây hồ chống ngập cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo kế hoạch, vị trí xây dựng là sân bóng đá mini Chảo Lửa, nằm gần khu vực sân đỗ máy bay. Đây là khu đất do Xí nghiệp A41 - Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) quản lý. Về phương án sử dụng đất, chi phí xây dựng sẽ do các cơ quan hàng không dân dụng bảo đảm nhưng đất vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý.
TP Hồ Chí Minh đang thực hiện các giải pháp tổng thể chống ngập cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
UBND thành phố cũng yêu cầu quận Tân Bình trong tháng 6-2017 phải giải phóng xong mặt bằng với 163 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 29 hộ sẽ giải tỏa trắng. HĐTCN có chiều sâu trung bình từ 5m đến 7m, diện tích khoảng 12.000m2, có thể giải quyết ngập úng cục bộ cho khoảng 20ha sân đỗ máy bay. Dự kiến, dự án xây hồ chống ngập hoàn thành trong năm 2018.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam có văn bản đề nghị Bộ GT-VT xem xét, có ý kiến với Bộ Quốc phòng chấp thuận phương án xây dựng HĐTCN theo phương án trên. Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, việc xây HĐTCN tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với mục đích thoát nước trên khu vực sân đỗ máy bay khi xảy ra mưa lớn mà hệ thống mương A41 không thể tiêu thoát nước kịp thời. Việc sớm thực hiện phương án xây HĐTCN nhằm khẩn trương bảo đảm công tác chống ngập cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, việc xây hồ nằm ngoài khu vực khai thác của sân bay và công tác bảo đảm an toàn bay luôn được các đơn vị chức năng đặt lên hàng đầu.
Cần giải pháp tổng thể
Về phương án trước mắt, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu cơ quan chức năng liên quan lắp trạm bơm hỗ trợ thoát nước cho các kênh rạch nối với sân bay; thường xuyên vệ sinh, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh rạch; cưỡng chế, giải tỏa các hộ dân lấn chiếm hai bên; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân trong khu vực không xả rác xuống rạch, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Về giải pháp lâu dài, đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo và nâng cấp kênh A41 ở phía Nam, kênh Hy Vọng ở phía Bắc và mương Nhật Bản ở phía Đông Nam (3 hướng thoát nước chính của sân bay).
Trước giải pháp xây HĐTCN, PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đây là giải pháp rất kịp thời để chống ngập cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Bởi có hồ điều hòa sẽ giải quyết được 2 vấn đề căn cơ đang tồn tại hiện nay là điều tiết và thu gom nước cho khu vực sân bay khi có mưa lớn, triều cường dâng cao; hai là giảm nhẹ việc thoát nước ra các khu vực quanh sân bay và giảm ngập cho các khu vực đó, do các hệ thống cống thoát nước ở đây đang quá tải khi thoát nước.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, việc xây HĐTCN là một trong những giải pháp cần thiết để giải quyết ngập ở Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, thành phố không chỉ làm một HĐT mà cần làm nhiều hồ kết hợp với các giải pháp tổng thể khác như triển khai cải tạo và làm mới lại hệ thống cống thoát nước sân bay; hệ thống kênh rạch bao quanh khu vực sân bay… mới giải quyết hiệu quả ngập ở sân bay khi mưa lớn và mức triều dâng cao. Tuy nhiên, việc xây HĐTCN cũng như làm các dự án tiêu thoát nước ở sân bay có đặc thù riêng biệt bởi Ngành Hàng không yêu cầu về độ an toàn rất khắt khe, trong khi đó, ở nước ta, các quy chuẩn thiết kế dành cho các công trình dạng này tại các sân bay vẫn chưa có và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. “Vì vậy cơ quan nhà nước cũng nên thuê các chuyên gia, đơn vị tư vấn, thiết kế nước ngoài có uy tín trong việc xây dựng các công trình này để bảo đảm công trình vừa an toàn vừa đem lại hiệu quả”, TS Sanh góp ý.
Hà Phạm